THÀNH LẬP CÔNG TY XÂY DỰNG CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng như Biểu cam kết không còn ràng buộc gì về hình thức đầu tư hay góp vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài nữa. Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập công ty xây dựng có vốn nước ngoài tại Việt Nam để hoạt động lĩnh vực xây dựng với tỷ lệ sở hữu vốn có thể lên đến 100% vốn điều lệ. Đây thật sự là cơ hội để chào đón nhiều nhà đầu tư đến với thị trường Bất động sản tại Việt Nam. Thế nhưng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ sẽ trở thành rào cản không hề nhỏ đối với những người nước ngoài muốn kinh doanh về lĩnh vực xây dựng. Nhằm giúp Nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu, chuẩn bị những điều kiện cần và đủ theo quy định của pháp luật, Công ty Quốc Luật xin cung cấp những thông tin liên quan đến thành lập Công ty Xây dựng có nguồn vốn nước ngoài như sau:
Những văn bản pháp lý liên quan:
- Luật Đầu tư 2014
- Luật Doanh nghiệp 2014
- Luật Xây dựng 2014
- Nghị định 59/2015/NĐ - CP về quản lý đầu tư xây dựng
- Nghị định 42/2017/NĐ - CP về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định Nghị định 59/2015/NĐ - CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2017)
Bên cạnh đó, các quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam tại WTO bao gồm:
- Thi công xây dựng nhà cao tầng (CPC 512)
- Thi công xây dựng các công trình kỹ thuật dân sự (CPC 513)
- Công tác hoàn thiện lắp đặt (CPC 514, 516)
- Công tác hoàn thiện công trình nhà cao tầng (CPC 517)
- Các công tác thi công khác (CPC 511, 515, 518).
Theo khoản 21 điều 3 Luật Xây dựng 2014 thì lĩnh vực xây dựng bao gồm: lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
Nhà đầu tư có thể thực hiện với hai phương thức như sau:
- Thành lập công ty xây dựng có vốn nước ngoài tại Việt Nam.
- Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty xây dựng Việt Nam.
Phương thức 1: Thành lập công ty xây dựng có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Điều kiện và hồ sơ cần chuẩn bị:
Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân (là công dân của các nước thành viên của WTO, hoặc quốc gia có ký Hiệp định thương mại tư do với Việt Nam).
- Hộ chiếu công chứng của nhà đầu tư
- Có năng lực tài chính để thực hiện dự án: Nhà đầu tư chứng minh thông qua việc chuẩn bị xác nhận số dư tài khoản nhân hàng hoặc sổ tiết kiệm mang tên nhà đầu tư với số tiền tương ứng đầu tư tại Việt Nam
- Nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án: tức có hợp đồng thuê nhà hoặc thuê văn phòng tại Việt Nam.
- Có năng lực thực hiện dịch vụ xây dựng tại Việt Nam.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức (công ty nước ngoài):
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty tại nước ngoài (bản sao công chứng có hợp pháp hóa lãnh sự)
- Hộ chiếu công chứng của người đại diện theo pháp luật của công ty tại nước ngoài
- Hộ chiếu công chứng của giám đốc - người đại diện theo pháp luật công ty tại Việt Nam
- Điều lệ công ty nước ngoài (bản sao công chứng có hợp pháp hóa lãnh sự)
- Có năng lực tài chính để thực hiện dự án: nhà đầu tư là tổ chức chứng minh thông qua việc chuẩn bị: Báo cáo tài chính của công ty nước ngoài có kiểm toán, có lãi và được pháp hóa lãnh sự, dịch công chứng sang Tiếng việt. Trường hợp báo cáo tài chính chưa có lãi cần chuẩn bị thêm: xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của công ty tại nước ngoài.
- Nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án: tức có hợp đồng thuê nhà hoặc thuê văn phòng tại Việt Nam để đăng ký trụ sở công ty.
- Có năng lực thực hiện hoạt động xây dựng
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Quy trình thực hiện
- Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
- Sau khi Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để theo dõi tình hình xử lý hồ sơ.
- Cơ quan đăng ký đầu tư sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ đăng ký đầu tư, cập nhật tình hình xử lý hồ sơ và cấp mã số cho dự án đầu tư.
Hồ sơ Nhà đầu tư cần chuẩn bị nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư
- Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân, bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức
- Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án
- Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
- Hợp đồng đã từng thực hiện về dịch vụ xây dựng của nhà đầu tư/ xác nhận kinh nghiệm đã làm việc cho doanh nghiệp thực hiện dịch vụ xây dựng.
Thời hạn giải quyết hồ sơ:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ thành lập công ty cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông
- Bản sao các giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên/ cổ đông là cá nhân.
- Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
- Đối với thành viên/ cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp.
Lưu ý: Đối với lĩnh vực Xây dựng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê trong Luật số 03/2016/QH14 nên để hoạt động hợp pháp, cần phải đáp ứng điều kiện luật chuyên ngành quy định.
Phương thức 2: Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty xây dựng Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế Việt Nam
Trình tự, thủ tục: Với việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu và hình thức đầu tư phù hợp với Biểu cam kết và pháp luật Việt Nam thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thể hiện những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế
- Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện vốn góp của nhà đầu tư là tổ chức.
Sau đó, thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp và thay đổi cổ đông, thành viên.
Hi vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp ích cho nhà đầu tư đang có ý định thành lập công ty Xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin bạn đọc thêm tại bài viết Thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và hoàn hảo nhất!