Cùng với xu hướng hội nhập hiện nay, việc người nước ngoài nhập cư không còn là vấn đề xa lạ tại các quốc gia trên thế giới. Ngay cả tại Việt Nam, số lượng người nước ngoài đến không chỉ để du lịch mà còn sinh sống và làm việc với số lượng ngày càng tăng. Với những quy định mới của Luật Nhà ở 2014, các cơ quan có thẩm quyền đã nỗ lực ban hành văn bản hướng dẫn mở rộng trong quá trình mua nhà ở dành cho người nước ngoài, tạo điều kiện để họ có quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong các văn bản hướng dẫn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và mâu thuẫn gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý đối với người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam. Quốc Luật sẽ điểm qua một số thay đổi để giúp những khách hàng nước ngoài có thể hiểu rõ hơn khi có ý định mua nhà ở tại Việt Nam hiện nay:
- Đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam
Theo Luật Nhà ở 2014 đã mở rộng hơn về đối tượng người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, chỉ cần được phép nhập cảnh và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự là được. So với trước đây, yêu cầu cá nhân nước ngoài phải đang sinh sống tại Việt Nam, cu trú từ 01 năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự mới được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo điều 159 Luật Nhà ở cho phép cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với điều kiện phải đáp ứng các quy định về nhập cảnh vào Việt Nam hoặc đáp ứng các quy định về giấy phép đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam.
-Loại hình nhà ở được sở hữu và quyền sử dụng đất của các cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Trước đây, theo Nghị quyết 19/2008/QH12 chỉ cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu căn hộ chung cư trong dự án pháp triển nhà ở thương mại, thì Luật Nhà ở 2014 đã cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, theo Luật Đất đai 2003 và Nghị định 51/2009/NĐ-CP thì cá nhân nước ngoài vẫn được sở hữu nhà ở và có quyền sử dụng đất thuê với hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đất đai 2013 lại không có quy định cá nhân nước ngoài là người sử dụng đất. Trong khi, Luật Nhà ở 2014 lại cho phép cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở. Nghị định 99/2015/NĐ-CP thay thế toàn bộ Nghị định 51/2009/NĐ-CP nhưng lại không có quy định về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài trong trường hợp mua và sở hữu nhà ở.
- Quy định về khu vực và thời gian cá nhân nước ngoài được phép sở hữu Nhà ở tại Việt Nam
Đối với việc khu vực người nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở, Nghị định 99/2015/NĐ-CP vẫn chưa quy định cụ thể khu vực nào cần bảo đảm an ninh, quốc phòng mà cá nhân nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở, mà lại tiếp tục giao trách nhiệm cho Bộ quốc phòng, Bộ công an xác định cụ thể các khu cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương để thông báo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo sở xây dựng xác minh danh mục cụ thể. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư dự án không thể biết dự án nhà ở thương mại của mình có được bán cho người nước ngoài hay không và rủi ro phải bồi thường thiệt hại nếu đã bán cho người nước ngoài rồi nhưng sau đó dự án bị xác định thuộc khu vực người nước ngoài không được sở hữu nhà ở.
Cá nhân nước ngoài không chỉ được sở hữu tối đa 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mà còn có thể được gia hạn thêm nếu có nhu cầu, thay vì chỉ được sở hữu tối đa là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và không được gia hạn như theo Nghị quyết 19/2008/QH12 trước đây.
- Quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài được mở rộng
Theo Luật Nhà ở 2014, với tư cách là chủ sở hữu nhà ở, cá nhân nước ngoài được hưởng các quyền như công dân Việt Nam, bao gồm quyền được mua, thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng nhà ở, quyền bán lại nhà ở sau khi được cấp giấy chứng nhận... Tuy nhiên, vì lí do an ninh, quốc phòng, người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ một số quy định của pháp luật về số lượng căn hộ, nhà ở được phép sở hữu.
Nghị định 99/2015/NĐ-CP tuy đã quy định chi tiết Luật Nhà ở 2014 nhưng lại tiếp tục giao trách nhiệm cho Bộ xây dựng hướng dẫn cụ thể cách tính nhà ở được phép bán cho người nước ngoài. Với cách tính số lượng nhà ở như quy định hiện nay, khi đi vào thực tế triển khai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn các chủ đầu tư.
Nguồn: Internet
Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và hoàn hảo nhất!