Với nhiều lợi thế như dân số đông, chi phí sản xuất thấp và nhu cầu tiêu thụ lớn, thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường này, các nhà đầu tư phải đáp ứng được một số điều kiện quan trọng.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
1. Quy định chung
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Đầu tư năm 2020. (Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020)
- Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư. (Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP)
- Nguồn quy định điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài:
- Các hiệp định đầu tư song phương (BIT): Việt Nam hiện ký hơn 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới;
- Các hiệp định thương mại song phương trong đó có chương đầu tư như Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU...
- Các hiệp định đa phương có quy định về đầu tư như Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản...
2. Điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi đầu tư tại Việt Nam
Khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng 3 nhóm điều kiện:
- Nhóm 1: Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(Khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư)
- Nhóm 2: Điều kiện khác, bao gồm:
- Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
- Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
- Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
- Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
- Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
- Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
(Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP)
- Nhóm 3: Điều kiện áp dụng đối với ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (nhóm điều kiện này áp dụng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài)
- Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư
3. Các trường hợp phải xét điều kiên tiếp cân thi trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế thuôc các trường hợp tai Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư
- Khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam.
- Khi đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác tại Việt Nam.
- Khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.
- Các trường hợp khác theo quy định.
(Khoản 1 Điều 23, Điểm a Khoản 2 Điều 24, Điểm đ Khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư)
4. Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cân thi trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
- Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường quy định tại Mục A Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
- Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện quy định tại Mục B Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
(Khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư)
- Căn cứ tổng hợp các điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường tại Danh mục A và B, gồm:
- Quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư bao gồm:
- Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO;
- Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA);
- Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ - AFAS (Gói thứ 10);
- Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA);
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA);
- Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA);
- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);
- Quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ.
- Thông tin chi tiết về điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải tại website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5. Nguyên tắc áp dụng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cân thi trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Nguyên tắc áp dụng quy định tại Luật Đầu tư:
- Đối tượng áp dụng, nguyên tắc áp dụng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Việc đăng tải, cập nhật điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
- Trường hợp có nội dung khác nhau giữa Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài với các quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thực hiện theo quy định tại tại luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế.
Nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.
- Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
- Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo quy định tại Mục A Phụ lục I của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
- Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Mục B Phụ lục I của Nghị định số 31/2021/NĐ- CP, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như sau:
- Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật Việt Nam) không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;
- Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.
- Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ được ban hành (sau đây gọi chung là văn bản mới ban hành) có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP thì các điều kiện đó được áp dụng như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài đã được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP trước ngày văn bản mới ban hành có hiệu lực được tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư theo các điều kiện đó. Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế mới, thực hiện dự án đầu tư mới, nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, ngành, nghề mà theo quy định của văn bản mới ban hành phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng điều kiện đó. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề mà nhà đầu tư đã được chấp thuận trước đó;
- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư sau thời điểm văn bản mới được ban hành có hiệu lực phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của văn bản đó.
- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau quy định tại Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP phải đáp ứng toàn bộ điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề đó.
- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.
- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó.
- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó. Trường hợp đã lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo một điều ước quốc tế về đầu tư (gồm cả điều ước được ký mới hoặc được sửa đổi, bổ sung sau ngày điều ước đó có hiệu lực mà nhà đầu tư đó thuộc đối tượng áp dụng) thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo toàn bộ quy định của điều ước đó.
- Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:
- Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;
- Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;
- Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
- Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.
(Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP)