Trong suốt những năm qua, chính phủ Việt Nam không ngừng cải tổ và ban hành các chính sách luật lệ nhằm thu hút dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài chẳng hạn như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về tài chính đất đai. Các chính sách này giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của những nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2021 đạt xấp xỉ 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Tuy nhiên, để có thể đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư cần thực hiện khá nhiều thủ tục hành chính. Một trong những thủ tục không thể thiếu chính là xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?
Theo khoản 11 điều 3 luật đầu tư 2020, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Đây là loại giấy tờ mang ý nghĩa cho phép nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức có thể rót vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Vì sao khi thành lập công ty nước ngoài ở Việt Nam phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?
Căn cứ theo Điều 37 Luật Đầu Tư 2020, các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu Tư 2020.
Nói một cách dễ hiểu, việc xin cấp giấy chứng nhận đầu tư là bắt buộc đối với hoạt động kinh doanh có yếu tố vốn nước ngoài, để đảm bảo Nhà nước có thể quản lý tốt hoạt động cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Giả sử một tập đoàn A có trụ sở tại Đài Loan muốn thành lập công ty và mở nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam, tập đoạn này cần phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi có trong tay văn bản này, tập đoàn A mới có thể thực hiện các bước tiếp theo để hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Các thông tin cơ bản thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hiện nay, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận những thông tin sau của dự án đầu tư:
- Tên dự án đầu tư.
- Nhà đầu tư.
- Mã số dự án đầu tư.
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.
- Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
- Vốn đầu tư của dự án đầu tư, (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:
- Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
- Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
- Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng, (nếu có).
- Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, (nếu có).
Thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là bao lâu?
Căn cứ theo Luật Đầu Tư, thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chính là thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, được xem xét và quyết định dựa trên các yếu tố mục tiêu, quy mô, địa điểm, yêu cầu hoạt động của dự án đó. Theo đó thời hạn tối đa của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:
- Không quá 70 năm đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế.
- Không quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế.
- Không quá 70 năm đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm.
Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và hoàn hảo nhất!