Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất là một quy trình quan trọng trong quản lý và triển khai các dự án đầu tư. Qua quá trình đấu thầu, chủ đầu tư sẽ tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư có khả năng và đủ điều kiện để thực hiện dự án một cách hiệu quả và bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất
Các dự án thuộc diện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất:
- Thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ.
- Thực hiện dự án không thuộc trường hợp nêu trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.
(Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, được sửa đối, bố sung bởi Khoản 1 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP)
Dự án đầu tư có sử dụng đất phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Dự án thuộc diện phải đấu thầu (có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ) mà không sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng công trình. Dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại; trụ sở văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ được phân loại theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp dự án có nhiều công năng, dự án đầu tư có sử dụng đất được xác định căn cứ công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng mà sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu kinh tế giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được chấp thuận.
- Thuộc chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; chương trình phát triển đô thị (nếu có) theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị.
- Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật.
- Không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22 và Điều 26 của Luật Đấu thầu.
(Điều 11 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP)
Quy trình thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án
- Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư là tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố danh mục dự án theo thẩm quyền và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện các nội dung liên quan đến công bố danh mục dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Các Sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân quận/huyện/thành phố Thủ Đức là bên mời thầu để tổ chức tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về các nhiệm vụ của bên mời thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Bên mời thầu phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu nội dung về giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (m2) và giá trị nộp ngân sách nhà nước (m3).
- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổ chức thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu.
(Điều 12 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-UBND)