Khi tổ chức thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ lấy ý kiến của các Sở ngành liên quan để đánh giá mức độ phù hợp của dự án với các quy định của pháp luật và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Sau đây là các nội dung cơ bản mà các Sở ngành thường xuyên được yêu cầu đưa ra ý kiến trong quá trình thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư.
Các nội dung lấy ý kiến của các Sở ngành khi tổ chức thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư
Sở Tài nguyên và Môi trường
- Pháp lý sử dụng đất, sự phù hợp của nội dung đề xuất sử dụng đất thực hiện dự án với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Nhu cầu sử dụng đất, việc đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong đó có ý kiến cụ thể về sự phù hợp của việc Nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.
- Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Sự phù hợp của ranh thực hiện dự án với ranh đất, diện tích đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Bản đồ hiện trạng vị trí do Nhà đầu tư lập.
- Sự phù hợp của tài liệu pháp lý để xác định quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án theo quy định pháp luật đất đai.
- Dự án có hay không thuộc Danh mục dự án cần thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.
Sở Xây dựng
- Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở: có ý kiến về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ); trong trường hợp, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thì có ý kiến thêm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bởi Điều 111 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ).
- Đối với các dự án không đầu tư xây dựng nhà ở: có ý kiến về các nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng; trong trường hợp, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thì có ý kiến thêm các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bởi Điều 111 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ).
Sở Quy hoạch - Kiến trúc
- Sự phù hợp của mục tiêu, quy mô thực hiện dự án với các quy hoạch được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư và khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó làm rõ sự phù hợp về các chỉ tiêu quy hoạch của Đề xuất dự án với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Khu vực thực hiện dự án có hay không thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử của đô thị loại đặc biệt.
- Các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị về tầng cao xây dựng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng đối với khu đất; các yêu cầu kiến trúc công trình, cảnh quan, các yêu cầu về chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị và các yêu cầu khác làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Sự phù hợp về tỷ lệ, số lượng các loại nhà ở tính theo đơn vị ở và tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở của dự án và các nội dung khác liên quan đến nhà ở do nhà đầu tư đề xuất với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được xác định tại các văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án và tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu 1/2000.
- Sự phù hợp của việc giao cho Nhà đầu tư thực hiện các hạng mục công trình hạ tầng xã hội với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 167)
Nội dung liên quan đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công có liên quan đến khu đất đề nghị đầu tư dự án (nếu có).
Sở Văn hóa và Thể thao
Sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Sở Công Thương
Đánh giá sự phù hợp về quy mô dự án đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công thương đối với các dự án có mục tiêu đầu tư trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp; đánh giá dự án có dấu hiệu về thâm dụng lao động đối với các dự án thuộc các ngành nghề không khuyến khích đầu tư tại Thành phố.
Sở Khoa học Công nghệ
Công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định hoặc lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Sở Giao thông Vận tải
Các yêu cầu kết nối hạ tầng theo quy định của pháp luật; đánh giá về sự phù hợp hoặc không phù hợp của khu đất dự kiến đầu tư thực hiện dự án với hiện trạng và kế hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.
Ủy ban nhân dân quận/huyện/thành phố Thủ Đức
- Sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 và khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ; sự phù hợp của dự án với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sự phù hợp của địa điểm xây dựng, ranh giới, diện tích khu đất với quy hoạch của khu vực.
- Hiện trạng sử dụng đất tại khu đất đề nghị thực hiện dự án.
- Sự phù hợp của việc đầu tư dự án với hiện trạng và kế hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật của khu vực (để làm cơ sở đánh giá sự phù hợp của dự án đối với Chương trình và Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố).
- Nhu cầu của địa phương đối với việc quản lý, vận hành các công trình xã hội (Trường học, Trung tâm y tế,...) trong ranh dự án; sự phù hợp của việc giao cho Nhà đầu tư tự quản lý, vận hành, các công trình xã hội (nếu có) theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở.
Bộ Tư lệnh Thành phố và Công an Thành phố
- Đánh giá về địa điểm thực hiện dự án có thuộc các khu vực nhạy cảm, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh theo quy định pháp luật (vùng bay, vùng trời, đất liền, vùng biển, căn cứ của lực lượng vũ trang,...);
- Đánh giá tác động của việc triển khai thực hiện dự án đối với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn khu vực thực hiện dự án nói riêng và địa bàn Thành phố nói chung;
- Các nội dung lưu ý khác nhằm bảo đảm phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch tổng thể về bố trí quốc phòng trong khu vực phòng thủ trên địa bàn Thành phố.
- Trường hợp Bộ Tư lệnh Thành phố và Công an Thành phố có cơ sở để xác định khu vực thực hiện dự án thuộc địa bàn quản lý về an ninh quốc phòng của đơn vị khác thì nêu rõ ý kiến trong văn bản về đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các đơn vị đó.
Các sở, ngành thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành
Thực hiện thẩm định các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình. Đối với chuyên ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao thì Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến thêm về khả năng, đáp ứng của hệ thống Trường học, Trung tâm y tế, trung tâm văn hóa, thể thao công lập hiện nay đối với quy mô dân số tại khu vực đầu tư dự án theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác định rõ Nhà nước có nhận bàn giao và quản lý vận hành các công trình này hay giao cho Nhà đầu tư tự thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở.
Ngoài các cơ quan thuộc Thành phố nêu trên, trong trường hợp cần thiết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến các Bộ ngành Trung ương về các nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
(Theo Điều 7 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-UBND).