Nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng sâu rộng và toàn diện ở tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực, cùng lúc chịu tác động cả từ hai phía cung và cầu. Việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh, sang nhượng, trả mặt bằng, cắt giảm nhân sự, “ngủ đông” thậm chí tuyên bố phá sản ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang diễn ra ngày càng phổ biến với tần suất ngày càng tăng. Nền kinh tế đang ở mức thấp nhất trong lịch sử mười năm qua. Trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì sự tồn tại và cầu cứu Chính phủ có những giải pháp cụ thể giúp họ tháo gỡ và giải quyết các khó khăn giúp họ vượt qua giai đoạn này. Chính phủ Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhằm giảm bớt gánh nặng và cùng vượt qua khó khăn.
Sau đây là một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19:
1. Được ưu đãi về thuế:
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau sẽ được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất:
- Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản;
- Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế)…;
- Xây dựng;
- Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;
- Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch; các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
- Hoạt động sáng tác nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, hoạt động chiếu phim…
Xem thêm nội dung Nghị định 41 tại đây.
2. Được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành "Công văn 860/BHXH-BT" ngày 17/3/2020 hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.
Trường hợp đến hết tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì sẽ được xem xét tạm dừng đóng đến hết tháng 12/2020.Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng.
Theo đó, các doanh nghiệp được xác định là các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy địn .
3. Được miễn, giảm lãi phí của ngân hàng
Theo “Thông tư 01/2020/TT-NHNN” quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng theo quy định sau:
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19;
- Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
4. Được vay tiền để trả lương cho người lao động với lãi suất 0%.
Theo “Nghị quyết 42/NQ-CP” được ban hành ngày 09/04/2020 thì người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Nếu gặp khó khăn về tài chính và đáp ứng điều kiện trên thì doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn với chính sách ưu đãi để trả lương cho người lao động.
5. Được lùi thời gian đóng phí công đoàn.
“Công văn 245/TLĐ” được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ban hành ngày 18/3/2020 đồng ý cho doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/06/2020.
Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.