Một trong những thông tin quan trọng khi thành lập công ty là Vốn điều lệ và thông tin này cũng được thể hiện trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Vậy Vốn điều lệ là gì? Đăng ký số vốn điều lệ bao nhiêu là đủ? Có cần chứng minh vốn điều lệ không?... là những điều mà rất nhiều bạn khi thành lập công ty mới đều thắc mắc. Cùng Quốc Luật tìm hiểu những điều cần lưu ý về Vốn điều lệ nhé.
Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Tài sản góp vốn bao gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Thời hạn góp đủ vốn điều lệ là bao lâu?
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Chủ sở hữu/Thành viên/Cổ đông phải hoàn thành việc góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, Chủ sở hữu/Thành viên/Cổ đông công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Trường hợp không góp đủ số vốn điều lệ trong thời hạn quy định:
- Công ty TNHH một thành viên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định.
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
- Công ty cổ phần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết đồng thời phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.
Có phải chứng minh vốn điều lệ khi thành lập công ty không?
Hiện tại, pháp luật Việt Nam không có quy định yêu cầu các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam phải chứng minh vốn điều lệ khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch & Đầu tư và Cơ Quan Thuế cũng sẽ không kiểm tra tiến độ góp vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành việc góp đủ số vốn trong thời gian quy định là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chịu mọi trách nhiệm trên số vốn đã đăng ký.
Vốn điều lệ góp bằng tài sản cá nhân có được không?
Trường hợp này có thể góp vốn điều lệ bằng tài sản cá nhân nhưng bắt buộc phải chuyển đổi chủ sở hữu từ cá nhân sang công ty.
Bên cạnh đó, một câu hỏi mà đa phần các bạn đều thắc mắc khi đăng ký vốn điều lệ công ty đó chính là: Vốn điều lệ có ảnh hưởng gì đến thuế và hoạt động kinh doanh của Công ty không?
1/ Vốn điều lệ của công ty không ảnh hưởng đến Thuế sau này, chỉ duy nhất đổi với lệ phí môn bài thì có liên quan đến vốn điều lệ như sau:
-
- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: Công ty đóng lệ phí môn bài 2.000.000 đồng/năm
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng, Công ty đóng lệ phí môn bài 3.000.000 đồng/năm
2/ Chủ sở hữu/Thành viên/Cổ đông công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.